BÀI TUYÊN TRUYỀN
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM
Cách mạng tháng 8/1945 thành công, chính quyền cách mạng còn non trẻ và đứng trước tình thế hiểm nghèo. Đế quốc, thực dân lại rắp tâm gây chiến hòng bắt dân ta trở lại cuộc đời nô lệ. Chính trong những ngày sục sôi khí thế cách mạng ấy, một số nhân sĩ, trí thức yêu nước đứng ra vận động và xin phép thành lập tổ chức Ban Hồng Thập tự Việt Nam.
Một ngày đầu xuân năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và làm việc với đại biểu Ban vận động thành lập Hồng Thập tự Việt Nam, Bác đã hỏi về tình hình lớp cứu thương đang mở, về việc lập Hội, tôn chỉ mục đích và dự kiến chương trình hoạt động, Bác đã giảng giải về hoạt động của một số Hội Hồng Thập tự các nước và một vài tổ chức nhân đạo khác, Bác chỉ dẫn phương hướng hoạt động của Hồng thập tự nước ta và khuyên: “Phải xuất phát từ tình thương yêu nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ”.
Ngày 23/11/1946, Đại hội đại biểu Hồng Thập tự Việt Nam lần thứ nhất tại Đình làng Thanh Ấm, Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội), chính thức thành lập Hội Hồng thập tự Việt Nam. Đại hội suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch danh dự của Hội và Người làm Chủ tịch danh dự của Hội trong suốt 23 năm tới khi Người qua đời. Bác sĩ Vũ Đình Tụng được bầu làm Hội trưởng. Sự ra đời của Hội Hồng thập tự Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu góp phần chăm sóc sức khỏe và đời sống nhân dân, kịp thời phục vụ cho cuộc toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Ngày 23/11/1946 đã đi vào lịch sử của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam như một mốc son đánh dấu sự ra đời của một tổ chức xã hội nhân đạo, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và làm Chủ tịch danh dự đầu tiên. Đây là niềm vinh dự lớn lao đối với cán bộ, hội viên, thanh, thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ Việt Nam mà không phải tổ chức nào cũng có được.
Ngày 5/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Công hàm tới Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ tuyên bố gia nhập 4 Công ước Giơ-ne-vơ về việc bảo hộ nạn nhân chiến tranh.
Ngày 4/11/1957, tại cuộc họp Đại hội đồng Hiệp Hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ họp ở Niu-đê-li (Ấn Độ), Hội Hồng thập tự Việt Nam chính thức được công nhận là thành viên của phong trào Chữ thập đỏ quốc tế
Ngày 15/12/1965, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Hồng thập tự Việt Nam lần thứ III. Hội Hồng thập tự Việt Nam được đổi tên thành Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Bác sĩ Vũ Đình Tụng tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội.
Trải qua các thời kỳ hoạt động Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước.
Ngày 13/01/2022 tại Hà Nội Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ và Ban chấp hành Trung ương Hội khóa X, kỳ họp thứ 6, để quyết định nhiều nội dung quan trọng, trong đó có công tác kiện toàn nhân sự. Hội nghị đã bầu bổ sung bà Bùi Thị Hòa và bà Huỳnh Thị Xuân Lam tham gia Ban thường vụ và Ban chấp hành Trung ương Hội khóa X; bầu bà Bùi Thị Hòa giữ chức Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2022, bà Huỳnh Thị Xuân Lam giữ chức Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2017-2022.
Ngày 30/8/2022, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2022-2027 được tổ chức với sự tham gia của 502 đại biểu ưu tú đại diện cho hơn 7,2 triệu cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ cả nước. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Trung ương Hội khóa XI gồm 111 thành viên, bà Bùi Thị Hòa Chủ tịch Hội khóa X được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khóa XI, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được suy tôn là Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khóa XI. Năm nay kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Mục đích
Mục đích cao cả của Hội là nhân đạo, hòa bình, hữu nghị. Hội chăm lo hỗ trợ về vật chất và tình thần cho những người khó khăn, nạn nhân chiến tranh, nạn nhân thiên tai, thảm họa; sơ cấp cứu ban đầu, tuyên truyền các giáo trị nhân đạo, tham gia phòng ngừa và ứng phó thảm họa; vận động các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động và ủng hộ nhân đạo do Hội tổ chức.
Hội là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên của phong trào Chữ thập đỏ, trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, hoạt động theo điều lệ Hội và 7 nguyên tắc cơ bản: Nhân đạo, Vô tư, Trung lập, Tự nguyện, Thống nhất, Toàn cầu.
Đối với các bạn học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, môn đạo đức ở bậc tiểu học, môn giáo dục công dân ở trung học cơ sở và rất nhiều bộ môn khác nữa đã đồng hành cùng với sự nghiệp giáo dục để giáo dục học sinh lòng yêu thương con người, hướng các em đến với những việc làm tốt đẹp, việc thiện và tránh xa việc làm sai trái, việc xấu, việc ác.
Chẳng hạn, các em biết chia sẻ, giúp đỡ những bạn đang gặp khó khăn ở trong lớp, trong trường, biết tôn trọng, cưu mang những người khuyết tật. Hàng năm, các bạn học sinh trường chúng ta đều có tham gia mua tăm tre để ủng hộ hội người mù các cấp, ủng hộ quần áo, sách vở, đồ dùng học tập… để gửi tặng cho học sinh các vùng bị thiên tai, lũ lụt. Đó là biểu hiện sinh động của lòng yêu thương con người.
Thông qua các hoạt động từ thiện, nhân đạo này nhằm để giáo dục tinh thần tương thân tương ái, giúp học sinh không chỉ biết sống cho bản thân, gia đình mà còn phải biết sống có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội; đó là lí tưởng sống cao đẹp của tuổi trẻ mà thời đại nào cũng cần phải có.
Trong những năm qua, Chi hội chữ thập đỏ ở trường chúng ta đều hoạt động có hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực vào việc giáo dục lòng nhân ái cho học sinh. Điển hình như hằng năm cứ vào mỗi dịp Tết các thầy cô giáo, các bạn học sinh của các lớp đều ủng hộ xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa tại trường để giúp đỡ, tặng quà Trung thu, tặng quà Tết cho các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại trường và tham gia ủng hộ các bạn vùng khó khăn, vùng lũ lụt…
Và còn rất nhiều, rất nhiều những việc làm tốt đẹp, đầy tình nghĩa của các em học sinh. Chính các em đã góp phần sẻ chia, cưu mang những cảnh ngộ thật đáng thương, để rồi “nhiều tay vỗ sẽ nên kêu” ấy đã làm nên việc lớn: giúp các bạn có nguy cơ bỏ học được tiếp tục đi học trong vòng tay yêu thương, giúp đỡ của bạn bè, thầy cô.
Chúng ta có quyền tin tưởng rằng, tinh thần nhường cơm sẻ áo, truyền thống “lá lành đùm lá rách” sẽ được phát huy rộng rãi hơn, mạnh mẽ hơn trong lực lượng học sinh và quý vị phụ huynh trong thời gian tới.
Cuối cùng xin kính chúc thầy cô và các em luôn mạnh khỏe, tham gia tích cực hơn nữa mọi hoạt động của nhà trường cũng như trong phong trào Chữ thập đỏ!